xem chi tiet tin - CDC - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hậu Giang

 

Phòng, chống dịch chủ động, hiệu quả

Ngày 19-05-2025 - Lượt xem: 0
Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng đợt I năm 2025 vừa được triển khai trên địa bàn tỉnh (từ ngày 14 đến 18-4), đã cung cấp kiến thức, huy động sự đồng thuận của người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Người dân được khuyến khích tìm hiểu thông tin, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm sau chiến dịch.
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi
Điểm nhấn của chiến dịch là thực hiện đồng bộ, tuyên truyền có chiều rộng lẫn chiều sâu đến người dân về các thông tin tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, cũng như hướng dẫn các giải pháp dự phòng. Qua đó, có tác động mạnh mẽ nâng cao kiến thức và hướng đến mục tiêu thay đổi hành vi của người dân quan tâm hơn phòng dịch bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Ở mỗi địa phương, hoạt động truyền thông cung cấp kiến thức, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm đã được quan tâm đúng mức.
 Bà Trần Thị Minh Châu, Trưởng trạm Y tế thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Chúng tôi thực hiện đa dạng hình thức truyền thông và đồng loạt trong chiến dịch. Vừa phát thanh tuyên truyền, tuyên truyền trên nhóm zalo, facebook, tuyên truyền qua loa di động chạy dọc theo các tuyến đường,… vừa tuyên truyền trực tiếp qua các nhóm vãng gia, cộng tác viên, tăng cường phát tờ rơi cho hộ dân với 1.200 tờ cho hộ dân”.
Ở các xã, phường, thị trấn khác của tỉnh, hoạt động truyền thông chiến dịch cũng rầm rộ, đồng loạt tương tự. Bên cạnh, các hình thức truyền thông khác cũng đã được tăng cường, như: Treo băng rôn tại các nơi tập trung đông người, tuyên truyền ở trường học lồng ghép trong sinh hoạt dưới cờ, truyền thông nhóm trong các ban, ngành, hội, đoàn thể,...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sản xuất, cấp 78.000 tờ bướm truyền thông tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện tốt chiến dịch. Có tờ bướm truyền thông, người dân có thể xem lại khi quên, có ý nghĩa duy trì hiệu quả sau chiến dịch,… Điều quan trọng là mỗi hộ dân cần ý thức, tự mình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thường xuyên, vì ngành chức năng không thể làm thay người dân mọi thời điểm. Ông Ngô Văn Phước, ngụ khu vực 6, phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Cán bộ y tế có đến tuyên truyền, có phát tờ hướng dẫn phòng dịch bệnh truyền nhiễm. Bệnh nghe nói không có thuốc đặc trị, tôi cũng thấy người ở gần bị bệnh, cũng lo. Với nhà có 2 cháu nhỏ đang học tiểu học, nghe bệnh sởi, sốt xuất huyết người lớn, trẻ nhỏ đều có thể bị bệnh tôi cũng lo. Tôi sẽ thực hiện thường xuyên vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân, phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh hiệu quả”.
Không lơ là, chủ quan, cần sự vào cuộc của người dân
Thực hiện chiến dịch, các thành viên nhóm vãng gia tại tất cả các hộ dân trên địa bàn tỉnh, với phương châm đi đến đâu, loại bỏ nước có chứa lăng quăng đến đó. Sau khi thực hiện chiến dịch đến thời điểm này, có thể khẳng định đã loại bỏ hầu như hoàn toàn lăng quăng có trong các dụng cụ chứa nước của người dân. Ông Phan Ngọc Ẩn, Trưởng trạm Y tế xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền và vận động từng nhà dân, đối với các dụng cụ chứa nước có lăng quăng và có nguy cơ có lăng quăng đều vận động hộ dân đổ bỏ, nếu chưa có thì đậy kín. Ngoài ra, diệt lăng quăng ở khu vực nguy cơ cao, nước đọng phòng bệnh sốt xuất huyết. Sau chiến dịch chỉ số Breteau (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) giảm xuống dưới 10, giảm nguy cơ xảy ra dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn”.
Xã Phú Tân có bệnh sốt xuất huyết tăng cao nhất trong những tháng đầu năm nay của tỉnh, qua số liệu giám sát dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, xã có đến 16, trong tổng số 51 ca bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận đầu năm đến nay của tỉnh. Chiến dịch đã tạm thời kiểm soát được tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở xã này.
Thông tin về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn tỉnh trong tuần vừa qua, ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tiếp tục kiểm soát trong tuần vừa rồi. Trong tuần chỉ ghi nhận 5 ca bệnh sốt xuất huyết, tương đương với tuần trước, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận giảm 11 ca so với cùng kỳ năm 2024. Bệnh tay - chân - miệng trong tuần ghi nhận 13 ca, lũy kế những tháng đầu năm nay là 68 ca, giảm 114 ca so với cùng kỳ năm 2024. Thực hiện chiến dịch với mục tiêu 100% các ấp, khu vực tổ chức chiến dịch được điều tra đánh giá sau chiến dịch có chỉ số nhà có muỗi truyền bệnh tại các hộ gia đình (HI) <10% và chỉ số Breteau (BI) về dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy <10 nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh xảy ra”.
Dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng vẫn đang lưu hành và có sự hiện diện sẵn có của mầm bệnh trong cộng đồng dân cư. Thực tế, mưa đã vào mùa, nhu cầu tích trữ nước của người dân vẫn còn phổ biến nếu chủ quan, lơ là sẽ gia tăng khả năng bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian sắp tới. Bệnh tay - chân - miệng có nguy cơ luôn thường trực.
Sau chiến dịch, nguy cơ dịch bệnh dù được kéo giảm, nhưng để duy trì kết quả này, người dân cần tiếp tục quan tâm duy trì thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đã được hướng dẫn để bảo vệ an toàn sức khỏe trước nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tiếp tục kiểm soát trong tuần vừa rồi. Trong tuần chỉ ghi nhận 5 ca bệnh sốt xuất huyết, tương đương với tuần trước, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận giảm 11 ca so với cùng kỳ năm 2024. Bệnh tay - chân - miệng trong tuần ghi nhận 13 ca, lũy kế những tháng đầu năm nay là 68 ca, giảm 114 ca so với cùng kỳ năm 2024.

 

Bài, ảnh: Bích Thiện – Hồng Diễm

 


Đang online: 2
Hôm nay: 286
Đã truy cập: 4756
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.