Ghi nhận ở các cơ sở y tế của tỉnh người dân đến khám bệnh với các triệu chứng của cúm mùa có gia tăng thời gian gần đây.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mùa là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Cúm mùa có thể gây bệnh nặng và tử vong ở nhóm nguy cơ cao
Bệnh cúm mùa hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể số mắc trong các báo cáo của ngành y tế tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận định thực tế của các bác sĩ tại cơ sở khám, chữa bệnh, người dân đến khám bệnh có triệu chứng cúm mùa có gia tăng.
Bác sĩ Phạm Khánh Duy, bác sĩ Khoa sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Tôi trực ở phòng khám bệnh ngoại trú cho thai phụ gần 1 tháng nay, tình hình thai phụ mắc triệu chứng bệnh cúm mùa có gia tăng đáng kể”. Triệu chứng thường gặp là chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đau họng, sốt, mệt mỏi,… Đây là thực trạng chung dịch cúm mùa đang gia tăng ở nước ta.
Theo các bác sĩ, bệnh thường có thể tự khỏi sau vài ngày hay 1 tuần, nhưng cũng có thể diễn biến, biến chứng nghiêm trọng hơn đối với một số nhóm nguy cơ, trong đó có người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Gấm, Khoa sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Đa phần bệnh tự khỏi, nhưng cũng có những trường hợp có thể bị biến chứng viêm phổi. Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nếu mắc cúm mùa có sốt sẽ có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai, mắc có thể khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật, có thể ảnh hưởng gây sẩy thai, thai chết lưu,… Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào mắc cúm cũng ảnh hưởng đến thai nhi.
Vì vậy, nếu thai phụ có các triệu chứng của cúm mùa cần đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế chuyên khoa sản để được khám, điều trị hiệu quả”.
Trao đổi về vấn đề tiêm vắc-xin phòng cúm mùa trước thai kỳ ở thai phụ, các bác sĩ thông tin vấn đề tiêm phòng cúm mùa trước thai kỳ hầu như đa phần thai phụ được hỏi trả lời chưa tiêm. Người dân chưa có kiến thức tốt về chăm sóc sức khoẻ tiền sản.
Tình trạng tương tự tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy. Ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Bệnh cúm mùa đã gia tăng từ trước Tết Nguyên đán và vẫn còn đến nay. Đối tượng mắc bệnh cúm mùa có người già, trẻ em và người trẻ, ai cũng có thể mắc bệnh cúm mùa, do bệnh lây qua đường hô hấp. Khi một người trong gia đình mắc bệnh có thể sẽ lây cho cả nhà”.
Hầu hết mọi người mắc cúm mùa có thể khỏi bệnh trong vòng một tuần, nhưng cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong ở những nhóm có nguy cơ. Biến chứng thường gặp của bệnh cúm mùa, như biến chứng gần nhất có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp, suy tim, nhiễm trùng huyết,… và có nguy cơ gây tử vong.
Lý giải về nguyên nhân bệnh gia tăng nhiều trong năm nay, ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chỉ ra: “Do thời tiết lạnh kéo dài là điều kiện thuận lợi để vi-rút cúm phát triển. Thời tiết lạnh cũng khiến người mắc bệnh chậm khỏi bệnh hơn”. Cúm mùa rất dễ lây từ người sang người thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, khi hắt hơi, ho hoặc lây nhiễm khi tiếp xúc chung đồ vật của người mắc bệnh.
Cần chủ động phòng bệnh hiệu quả
Để phòng bệnh cúm mùa, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần quan tâm tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đây là giải pháp được cho là hiệu quả nhất để phòng mắc bệnh cũng như bệnh diễn biến nặng. Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thùy Nhiên, phụ trách Phòng tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Mỗi mũi vắc-xin có hiệu quả bảo vệ phòng bệnh cúm mùa trong thời gian 1 năm”. Riêng đối với người chuẩn bị mang thai, nên tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mùa trước khi mang thai khoảng 3 tháng là tốt nhất để phòng bệnh hiệu quả cho thai phụ.
Trước đây người dân chưa quan tâm tiêm phòng cúm nhiều, nhưng thời gian gần đây khi dịch cúm gia tăng người dân đã chủ động tiêm phòng. Song theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc tiêm phòng vắc-xin cúm chỉ có hiệu quả 1 năm, người dân cần duy trì định kỳ sau khi vắc-xin hết hiệu quả để bảo vệ chủ động và tốt nhất.
Việc tiêm vắc-xin chỉ có hiệu quả phòng bệnh khoảng 90%, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo người dân vẫn phải đồng thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác. Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo: “Ngoài tiêm vắc-xin, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác, như: Đeo khẩu trang khi đi ra đường, khi đến nơi đông người. Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cúm mùa hay nghi ngờ mắc bệnh. Thường xuyên vệ sinh cá nhân. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý để tăng cường sức đề kháng cơ thể. Quan tâm giữ ấm cơ thể khi trời lạnh”.
Không hoang mang nhưng cũng không nên chủ quan, lơ là
Ngành y tế khuyến cáo người dân không hoang mang, lo lắng trước dịch bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, cũng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh và đồng thời thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh trên sẽ phòng bệnh hiệu quả, bảo vệ tốt nhất sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Người dân đến tiêm vắc-xin cúm mùa tăng cao
Ghi nhận tại Phòng Tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung bình các tháng trước chỉ có khoảng 150 trường hợp tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mùa, thì trong vài ngày gần đây, mỗi ngày có từ 30-50 lượt người dân đến tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm, tăng nhiều lần so với trước.
Nhóm người tiêm nhiều nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi, đây là nhóm có nguy cơ có thể diễn biến nặng khi mắc cúm mùa. Hiện vắc-xin phòng cúm mùa vẫn chưa đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Chỉ triển khai tiêm ở các cơ sở tiêm dịch vụ. Mỗi mũi tiêm có giá hơn 300.000 đồng và có hiệu quả bảo vệ phòng bệnh thời gian 1 năm. Người dân cần tiêm vắc-xin phòng cúm mùa định kỳ hàng năm mới duy trì được hiệu quả dự phòng bệnh.
Bài, ảnh: HỒNG DIỄM (Báo Hậu Giang)